“Ho ra máu” là bệnh gì? Nguyên nhân ho ra máu
Ho ra máu là dấu hiệu của bệnh Phổi – Phế quản. Bệnh nhân thường ra máu sau cơn ho hoặc vừa ho vừa ra máu. Một số ít trường hợp không có ho kèm theo, máu chảy thành dòng, thành tia bắn vọ ra gọi là xuất huyết phổi.
Ho ra máu là hiện tượng máu chảy ra ở thanh quản trở xuống do chính cơ quan hô hấp hoặc do máu ở những cơ quan lân cận tràn vào thanh quản.
Tất cả những trường hợp máu chảy ra ở trên thanh quản đều không gọi là ho ra máu.

Nguyên nhân
- Do lao phổi: Ở Việt Nam tỉ lệ ho ra máu tương đối cao (70-80%), sau giảm dần, nhường chỗ cho các bệnh phổi khác, nhất là ung thư phổi
- Ho ra máu không do lao chiếm tỉ lệ: 5-25%, Do dãn phế quản: 2-13%, Do K phổi: 3-20%
- Do các bệnh phổi khác: Viêm phổi, viêm phế quản cấp, nấm phổi, sán lá phổi, hội chứng Loeffler
- Do các bệnh ngoài phổi: Bệnh máu ác tính, bệnh tim (hẹp van 2 lá)
- Nguyên nhân hiếm gặp như: Có dị vật ở phổi (mảnh bom, đạn), sỏi rơi vào khí quản, polip khí quản.
- Ho ra máu không rõ nguyên nhân chiếm 5-10%
Cơ chế
Đặc điềm giải phẫu bệnh phổi vì bất cứ nguyên nhân gì đều có sự thay đổi tuần hoàn phế quản phổi. Nói chung, có 3 đặc điểm sau:
- Ở giũa thương tổn có 1 mạng mao tiểu động mạch tân tạo có ít sợi đàn hồi.
- Có 1 số cầu nối giữa tiểu động mạch và tiểu tính mạch ở cạnh thương tổn do sự nối tiếp giữa hệ thống động mạch phế quản và hệ thống động mạch phổi. Hay gặp ở phổi bệnh lý, ít gặp ở phổi thường.
- Mạng lưới mao động mạch phát triển nhiều quanh thương tổn có tác dụng như 1 u máu. Các nhánh động mạch phế quản phong phú và xuất hiện nhiều đám nối tiếp tạo ra ở vùng thương tổn tạo ra áp lực tương đương với áp lực ở đại tuần hoàn. Đó là những điều kiện thuận lợi đối với Ho ra máu
Cơ chế chung
Có 2 quá trình cơ bản sau
Vỡ mạch
- Do hoại tử làm loét thành mạch, nứt mạch hay vỡ mạch quá giòn. Phình động mạch Rasmussen ở cạnh hang lao gây vỡ mạch máu vào trong lòng hang lao rồi gây Ho ra máu.
- Các lớp thành động mạch do quá trình hoại tử, nhuyễn hóa, bị phá hủy.
- Phình mao mạch ở khoảng kẽ, lẩn vào trong nhu mô phổi tiếp giáp với các cục bã đậu rất hiếm gặp.
- Do vỡ các mao mạch tân tạo mỏng manh phát triển ở giữa thương tổn hay là các mao mạch ở niêm mạc phế quản bị dãn.
Xuyên mạch của hồng cầu
- Đôi khi khối lượng máu ở bệnh nhân bị Ho ra máu khạc ra rất ít. không có hiện tượng chảy máu ở vùng phổi bị lao nặng, trái lại ở phổi lành lại có những vùng bị nhồi máu.
- Ở vùng phổi lành: Mao mạch thành phế nang dãn nhiều, thường có xuất huyết kẽ lan tới phế nang dẫn đến hiện tượng hồng cầu hoặc chỉ có huyết thanh rơi vào phế nang (gặp trong viêm phế nang xuất huyết phối hợp với viêm phế nang phù thũng). Máu tràn ngập phế nang, tiểu phế quản và phế quản cỡ lớn
- Quá trình xuất huyết – phù nề: là nguồn gốc gây ra ho ra rất ít máu. Hiện tượng này phù hợp với thuyết thần kinh vận mạch của Reilly về nguồn gốc xuất huyết các tạng hoặc nhồi máu: Phù phổi thực nghiệm khi kích thích dây thần kinh giao cảm, dây thần kinh hoành. Mao mạch bị giãn, nhất là mạng mao mạch rất phát triển ở phổi bệnh lý bị dãn kéo theo hồng cầu xuyên mạch dẫn tới ho ra máu. mạng mao mạch phong phú ở niêm mạc phế quản căng phồng, người ta có thể thấy rõ khi soi phế quản. Thần kinh chi phối phổi – phế quản (thần kinh thực vật) chưa được biết chính xác nhưng đã chứng minh được trong quá trình bệnh lý có những tổ chức thần kinh vận mạch kiểu tiểu thể (type de glomi) ở vùng tổn thương.
Thật ra, 2 quá trình trên thường xen nhau: Choáng thần kinh thực vật là điều kiện thuận lợi gây vỡ mạch. Nói cách khác máu trào vào phế nang, phế quản do nứt mạch gây rối loạn thần kinh vận mạch nhiều hoặc ít.
Ngoài ra, Ho ra máu còn do thay đổi thể chất máu trong 1 số trường hợp: lượng protrombin máu hơi thấp ở lao phổi. Các dấu hiệu bệnh chảy máu: giảm tiểu cầu, thời gian máu chảy dài, dấu hiệu dây thắt,…
Cơ chế ho ra máu trong 1 số bệnh
Lao phổi
2 quá trình vỡ mạch và xuyên mạch của hồng cầu bổ sung cho nhau
Apxe phổi
Tổ chức bị hoại tử, mủn nát làm đứt mạch
Ung thư phổi
Quá trình hoại tử tổ chức ung thư làm đứt mạch máu.
- Quá trình viêm ở giữa tổ chức ung thư sung huyết mạnh, hồng cầu thoát mạch.
- Mao mạch hệ thống phế quản trong trong tổ chức ung thư phát triển bất thường hoặc dãn phế quản ở phía trên mô U dễ bị nhiễm khuẩn (viêm) gây sung huyết.
- Tia xạ khối U chữa bệnh, tổ chức đàn hồi động mach phổi bị hoại tử mạnh, vỡ mạch xuất huyết. Đã có trường hợp sau 4 lần chiếu tia xạ bênh nhân chết vì ho ra máu.
Giãn phế quản
Mạng mao mạch ở thành phế quản giống U mạch bị dãn. Tác động rối loạn thần kinh vận mạch khiến thành mao mạch giòn dễ vỡ, thoát mạch hồng cầu gây xuất h
Viêm khí phế quản
Một mảnh của hạch vôi hóa cạnh khí quản vỡ vào lòng phế quản rồi khạc ra ngoài. Rất ít gặp
Bệnh tim
- Thường gặp rối loạn hệ thống mạch phế quản – phổi. Trong bệnh van 2 lá vỡ mạch do thay đổi áp lực ở chỗ nối động mạch phế quản và động mạch phổi. Các cầu nối phát triển bất thường ở bệnh van 2 lá, khi áp lực động mạch phổi tăng dữ dội, máu chảy từ động mạch phổi trực tiếp sang tĩnh mạch phế quản dưới niêm mạc có thể bị vỡ.
- Tăng áp lực và vỡ mạch là cơ chế chủ yếu của bệnh tim. Nhưng ho ra máu xảy ra ở bệnh van 2 lá do rối loạn thần kinh vận mạch liên quan đến gắng sức, xúc động, rối loạn kinh nguyệt,…
- Cao huyết áp: Thành mao mạch giòn, xuất huyết ở niêm mạc, phế quản.